Đã hơn 40 năm kể từ khi được đưa vào Việt Nam từ đất nước láng giềng
Thái Lan, cây sứ (hay còn gọi là cây sứ Thái) đã hiện diện, hòa mình một cách
thầm lặng không ồn ào nơi hàng hiên, bồn hoa, chậu kiểng trong vườn hay trước
sân nhà mỗi gia đình người Việt Nam. Cây sứ chưa hề được xem là một loài cây
vương giả như những cây thiên tuế, cây mai, cây tùng hay các loài cây trồng
theo dáng bonsai, mà cây sứ gần gũi với người Việt Nam chúng ta đơn giản vì cây
sứ dễ trồng, dễ nhân giống và dễ chăm sóc. Chỉ bằng một cành sứ cũng có thể trồng
thành một cây sứ và qua năm tháng hình thành một cây sứ có giá trị. Cũng vì sự
thầm lặng hiện diện đó mà có thể dễ dàng thấy được những cây sứ có tuổi đời
30-40 năm, gần bằng khoảng thời gian mà loài cây này có mặt tại Việt Nam. Những
cây sứ cao lớn, thân cao 2-3 mét, bộ rễ to tròn, thân mập mạp, tàn lá sum suê,
mang trên mình những vết cắt, vết sẹo lồi lõm làm chứng cho lịch sử tồn tại của
chính cây sứ tại Việt Nam. Và có lẽ số phận của cây sứ cũng sẽ chỉ để tô điểm,
đóng góp hoa, sắc cho cuộc sống như bao loài cây cảnh bình thường khác nếu như
vào giữa thập kỉ 90 không có sự “đổ bộ” vào Việt Nam các giống sứ mới với màu sắc
hoàn toàn mới, lạ, làm bất ngờ giới chơi hoa kiểng và đặc biệt là những ai lâu
nay đã trồng sứ và xem loài cây này chỉ có một màu hồng lợt cổ điển. Các giống
sứ mới với nhiều màu khác lạ được nhập về từ Thái Lan, Đài Loan, tạo nên một
phong trào “đổi màu” cho cây sứ. Thời điểm này, chúng ta cũng chưa biết tới việc
trồng sứ bằng hạt. Việc các giống sứ mới nhập về được tháp ghép lên trên các
cây sứ trồng từ hột (hạt) đã cho giới trồng sứ khái niệm về “cây sứ hột”. Kể từ
đây, cây sứ đã sang trang và được nâng lên thành một loài cây kiểng trang trí
có vị trí cao và các nghệ nhân đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu nuôi trồng và dần
dà có người đã chuyển sang chuyên về trồng sứ. Bản thân người viết đến với cây
sứ cũng rất tình cờ. Thời còn sinh viên rất thích trồng lan và các loại cây lá
cũng như bonsai với sanh, sung, si, bồ đề… được để đầy khắp khu vườn nhỏ trên mảnh
sân nhà và dĩ nhiên, cũng có cả… cây sứ. Trong vài lần tình cờ đi ngang qua miệt
Thủ Đức tìm vài loài cây mới về trồng, khi đi ngang qua vườn sứ Thảo Điền gần cầu
Bình Triệu, sắc thắm đỏ rực của các cây sứ trong vườn ngay lập tức khiến lòng
mê mẩn, phải nói rằng thật ấn tượng ngay buổi đầu đó. Dần dần làm quen với chú
Túc, chủ vườn và mua vài giống mới về mày mò tháp ghép và không biết lúc nào
say mê hẳn với cây sứ. Cây sứ dần dần xuất hiện nhiều hơn trong vườn nhà vốn chật
hẹp và từ từ cây sứ vô tình “tiễn” các
cây lan, cây bonsai đi nơi khác. Cây sứ đã bén duyên với người viết như vậy, thấm
thoát cũng đã gần 5 năm. Từ đó người viết đã trở nên “yêu” sứ và quyết tâm tìm
hiểu về loài cây này. Bước đầu tìm hiểu gặp khá nhiều khó khăn vì không thể tìm
được tài liệu nào thật chi tiết nói về cây sứ. Vài quyển sách của các nghệ nhân
nói về sứ, dù chưa thật đầy đủ nhưng đã giúp ích rất nhiều cho buổi đầu làm
quen với loại cây này. May mắn thay, vài người bạn ở nước ngoài đã gửi tài liệu,
tranh ảnh về cây sứ và qua quá trình nuôi trồng sứ cũng như trao đổi kinh nghiệm
với các nghệ nhân, người viết dần dần đã tự “nghiệm” ra nhiều điều về loài cây
tuy đã hiện diện rất lâu nhưng còn khá “bí ẩn” này và cùng với sự khuyến khích
của bạn bè cũng như quyết tâm của bản thân, cuốn sách này dần “thai nghén” và
được thành hình. Không với tham vọng được xem như một công trình nghiên cứu về
loài sứ, quyển sách nhỏ này chỉ xin gửi tới những ai đang yêu hoa sứ, những người
mới làm quen với cây sứ, những người chưa biết nhiều về sứ như một sự trao đổi,
giao lưu kinh nghiệm để cùng tìm hiểu, cùng đúc kết và cùng nhau trồng, nhân giống
và lai tạo các loài sứ đẹp làm phong phú bộ sưu tập của chúng ta và… cũng để cảm
ơn chính loài cây thật đặc biệt này. Chắc chắn những thông tin trong cuốn sách nhỏ
bé này không thể tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế, rất mong nhận được những
ý kiến đóng góp của quý vị nghệ nhân, bạn đọc xa gần để lần tái bản sau được
hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn các nghệ nhân, nhà
vườn đã hỗ trợ, chia sẻ tài liệu, hình ảnh để tập sách này được phong
phú:
- David Clulow, Venezuela. Ashish Hansoti, vườn sứ Tropica, Mumbai
(Bombay), Ấn Độ.
- Choochart Suntrapornchai, siamadenium.com, Bangkok, Thái Lan.
- Seetangsuk Veerasak, vườn Deawcactus, Thái Lan.
- Anucha Hiransirilak, Bangkok, Thái Lan. Và các nghệ nhân, nhà vườn
trong nước mà tác
giả được tạo điều kiện chụp ảnh tư liệu:
- Nghệ nhân Năm Đông, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức Tp. Hồ Chí Minh.
- Ông Tuyến, chủ trại giống Đông Thạnh, Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh.
Cuốn sách cũng được tham khảo qua các tài liệu :
- ISOCS Journal- Adenium Special 2005
- Pachypodium & Adenium 1999 – Rowley Gordon
- Genus Adenium in cultivation. CSSA Journal
– Mark Dimmit & Hanson C.
- Các bài báo trên tạp chí Hoa Cảnh.
- Thông tin trên các báo, tạp chí, mạng internet… Rất vui được nhận những
ý kiến đóng góp của
quý vị đến :
Hoàng Đức Khương
332/201/5 Dương Quảng Hàm,
P.5, Q. Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại : (08) 9857839 - 090796788